Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, Việt Nam với lợi thế đường bờ biển dài, gồm 3.000 đảo lớn, nhỏ ven bờ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 125 bãi biển trong đó nhiều địa điểm được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới, du lịch biển nhiều năm qua luôn là thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam. Mặc dù vậy, cho đến nay việc phát huy giá trị tài nguyên biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ trong khi Việt Nam còn sở hữu hệ thống các đảo có tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Nhận thấy được tiềm năng của hệ thống các đảo ven bờ, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định “du lịch biển, đảo là một trong bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam”. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm.
Theo thống kê, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển, đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, việc phát triển du lịch biển đảo có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ, ở một số vùng, một số khu vực đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, kinh tế, xã hội các địa phương và vùng miền. Vì vậy, yêu cầu về việc phát triển du lịch biển đảo một cách hài hòa, phát huy được vị thế, vai trò của biển đảo trong việc phát triển kinh tế biển đảo một cách bền vững đã và đang được đặt ra một cách cấp bách.
Đưa ra những nhận định tại hội thảo về những khó khăn trong việc phát triển du lịch biển, đảo hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhận thấy, ngoài một số đảo đã phát triển như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo, Cù Lao Chàm…thì rất nhiều đảo hiện nay điều kiện về cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Để phát triển toàn diện thì đầu tiên phải quy hoạch đồng bộ các đảo, từ đó mới định hướng được khu vực nào phát triển du lịch, khu vực nào ngư nghiệp, khu vực nào hoạt động bảo tồn để đầu tư hạ tầng phù hợp. Do đặc điểm quản lý khai thác biển của chúng ta trước kia là quản lý biển theo ngành, mỗi Bộ được giao quản lý một ngành vì vậy mỗi Bộ xây dựng cho mình một quy hoạch riêng cho việc khai thác sử dụng biển. Việc quản lý theo ngành, quy hoạch ngành đã đem lại một số kết quả nhất định, tuy nhiên, việc chưa có một quy hoạch tổng thể, thống nhất về khai thác, sử dụng biển dẫn đến sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các ngành, lĩnh vực, đồng thời tài nguyên biển bị sử dụng thiếu bền vững, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, việc gìn giữ bảo vệ hệ thống tài nguyên, đặc biệt giá trị tài nguyên nguyên sơ phát triển theo định hướng phát triển xanh, tăng trưởng xanh là yếu tố mang lại giá trị cao cho du lịch hiện nay”.
Một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra tại hội thảo là việc phát triển du lịch biển, đảo gắn với quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia. Hiện nay, hệ thống các đảo vùng ven biển Việt Nam giữ vị trí quan trọng đối với chính trị, an ninh quốc phòng. Có thể khẳng định, việc khai thác tiềm năng đảo, ngoài việc đóng góp cho ngành du lịch, kinh tế còn khơi dậy long tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn môi trường, nâng cao được nhận thức về chủ quyền quốc gia, “để đảm bảo an ninh trật tự tại các khu tham quan, du lịch biển, đảo, các đơn vị Bộ đội Biên phòng luôn tằng cường phối hợp với các lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Cảng vụ Hàng hải…tổ chức ra quân tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm về du lịch, hướng dẫn các cơ quan chủ quản xây dựng nội quy quản lý về trật tự trị an, tổ chức tập huấn cho các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch biển đảo ý thức về trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát, nhập cảnh nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua”, Đại tá Ts.Vũ Đình Liêm, trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ đội Biên phòng chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những vấn đề còn tồn đọng như ô nhiễm khu vực biển ven bờ, phát triển du lịch biển một cách ồ ạt, phát triển nóng các không gian ven biển, thiên tai, lũ lụt, bão lũ… cũng là những thách thức đối với việc phát triển du lịch biển, đảo hiện nay. Do vậy, để du lịch biển đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua, cần có sự đầu tư và quản lý chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người, tạo dấu ấn riêng và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển, đảo đồng bộ và bền vững trong tương lai.