Đó là ý kiến chủ đạo của các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến được phát trên fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị sáng ngày 12/9. Chương trình livestream tọa đàm trực tuyến “Bàn cách gỡ vướng để hướng dẫn viên du lịch nhận hỗ trợ do Covid-19” do Sài Gòn Tiếp Thị và Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện với sự đồng hành phát trên kênh fanpage VTC News và fanpage Đài Truyền hình Hậu Giang.
Theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/7/2021, HDV du lịch ở Việt Nam sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền là 3.710.000 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số HDV nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 23 của Chính phủ đến nay còn rất ít. Cụ thể, theo số liệu cuộc họp trực tuyến của Tổng cục Du lịch với đại diện sáu Sở Du lịch hôm 31/8/2021, Đà Nẵng chỉ khoảng 1.200 trên tổng số 4.700 HDV nhận hỗ trợ; Khánh Hòa 82/1.500 HDV; Quảng Ninh 100/1.374 HDV và Hà Nội 49/5.800 HDV. Theo đó, các đại biểu đều cho rằng, đối với nhóm đối tượng là HDV du lịch để nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ thì chỉ cần đáp ứng việc có thẻ HDV du lịch còn thời hạn, cấp trước năm 2020, có hoạt động hợp pháp thì nên được xét nhận trợ cấp.
Nguyên nhân HDV khó nhận hỗ trợ…
Tại buổi tọa đàm, các khách mời cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là bởi nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, hạn chế người dân ra đường nên không thể gửi hồ sơ (bản cứng) đến cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định.
Đồng thời, các đại biểu cũng nhấn mạnh, qua hơn hai tháng triển khai, con số HDV du lịch tại Việt Nam được hỗ trợ còn quá ít bởi gặp phải nhiều vướng mắc trong yêu cầu thủ tục. Nguyên do chính là do đa phần hướng dẫn viên (khoảng 90%) hoạt động tự do, chưa là hội viên của Hiệp hội/chi hội hướng dẫn viên nên không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cựu Phó phòng Lữ hành, Sở du lịch TPHCM cho hay, về điều kiện nhận hỗ trợ là tránh nhầm đối tượng có thẻ HDV nhưng chưa đi hành nghề bao giờ nên điều kiện nhận hỗ trợ tập trung vào hai điều kiện, đó là có hợp đồng lao động hay có thẻ hội viên theo điểm a, b Khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch.
Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương chưa có tổ chức hội hướng dẫn viên du lịch để HDV tham gia. Hiện nay, ngoài Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (VTGA), cả nước chỉ có khoảng 26 tỉnh, thành phố có hội và chi hội và thêm Hội hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc, Kiên Giang.
Ông Chí cũng cho biết, đây không phải là lý do chính vì mục đích của hỗ trợ là HDV thất nghiệp vì dịch chứ không phải hỗ trợ ai là hội viên.
“Quan trọng là chứng minh hợp đồng lao động của HDV quá khó khăn so với các quy định pháp luật về hợp đồng lao động theo Luật Lao động và cách vận dụng của các cơ quan xét duyệt”, ông Chí nói. Khái niệm hợp đồng lao động và hợp đồng hướng dẫn trong hoạt động hướng dẫn viên tồn tại dẫn đến ký kết hợp đồng lao động sai quy định.
Chỉ cần HDV có thẻ đang còn hạn đều được nhận hỗ trợ
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, cần đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ cho HDV bằng cách chỉ cần HDV có thẻ đang còn hạn đều được nhận hỗ trợ. Nhưng nên khống chế các trường hợp mới được cấp thẻ lần đầu trong năm 2021.
Ngoài ra, các trường hợp thẻ hết hạn mà chưa gia hạn (do giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua) nên cho nợ và bổ sung sau vì như hiện nay, liên quan đến hợp đồng lao động, các công ty đóng cửa, không thể sao lưu hợp đồng để hoàn thiện hồ sơ.
Đối với những HDV có thẻ nhưng hết hạn trong giai đoạn 2019-2020, nên cho phép tổ chức các lớp cập nhật kiến thức tập trung theo hình thức online để cấp lại chứng chỉ cho HDV kịp làm thủ tục gia hạn thẻ, đáp ứng điều kiện nhận gói hỗ trợ.
Cũng theo ông Phúc, những HDV có thẻ còn hạn nhưng chỉ có hợp đồng tour ngắn ngày hoặc chưa tham gia Chi hội HDV, Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế vẫn tiếp nhận và tổng hợp để có báo cáo kiến nghị lên Tổng cục Du lịch xem xét hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Đức Chí cũng đồng tình với kiến nghị đơn giản thủ tục, chỉ cần thẻ hướng dẫn là HDV được nhận hỗ trợ. “Hỗ trợ là phải nhanh chóng và kịp thời. Lúc này, nhóm đối tượng này đang rất cần hỗ trợ thì phải đơn giãn hóa thủ tục để hỗ trợ ngay cho họ”, ông Chí nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cựu Phó phòng Lữ hành, Sở du lịch TP.HCM, tại thời điểm Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành, Hội HDV du lịch Việt nam có 7.000 hội viên, trong đó nhiều hội viên thuộc nhóm hướng dẫn viên cơ hữu. Như vậy, xét theo nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ theo Quyết định 23 của Chính phủ dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đủ các điều kiện thì chỉ khoảng 10.000 HDV, còn hơn 17.000 HDV tự do không tham gia vào hội/chi hội hướng dẫn, cần phải chứng minh hợp đồng lao động để được nhận gói hỗ trợ.
TP.HCM có 6.124 HDV có thẻ còn hạn, trong đó số hội viên tính tới thời điểm này là 2.015 hội viên. Sau 7 đợt tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của HDV, TP.HCM đã có 530 HDV được nhận tiền hỗ trợ (Chi hội trưởng Chi hội HDV, Hiệp hội Du lịch TP.HCM Phan Bửu Toàn thông tin).
Tính đến ngày 9/9/2021, Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế đã tiếp nhận, thẩm định 649 hồ sơ đề nghị hỗ trợ HDV, trong đó có 639 hồ sơ đủ điều kiện. Trong số hồ sơ đủ điều kiện, đã có 571 người được chi trả với tổng kinh phí hơn 2.118.410.000 đồng. “Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục vừa tiếp nhận các hồ sơ đăng ký với các hình thức quy định, vừa hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu về việc triển khai chính sách hỗ trợ này trên các kênh truyền thông của tỉnh và của Sở Du lịch”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Nếu thay đổi được điều kiện để HDV nhận được hỗ trợ chỉ còn yêu cầu cung cấp thẻ hướng dẫn còn thời hạn và được cấp trước năm 2020, không chỉ hỗ trợ được đội ngũ hướng dẫn viên đang khó khăn do dịch Covid-19 mà còn thể hiện được chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước khi “không bỏ lại ai trong lúc khó khăn này”.
Thiết nghĩ, việc hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo tinh thần Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ mang ý nghĩa nhân văn nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng HDV phần nào vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Vì thế, mong rằng Nhà nước nên có giải pháp để “gỡ vướng” nhằm hỗ trợ được cho HDV để họ sớm vượt qua khó khăn.
Các quốc gia khác hỗ trợ HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như thế nào?
Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các gói hỗ trợ khác nhau cho lực lượng HDV, tùy theo điều kiện của đất nước họ. Tuy nhiên, nhìn chung thì chính sách hỗ trợ cho người lao động là HDV du lịch với điều kiện “dễ thở” hơn.
Thông tin trên website của Tổng cục du lịch Scotland, Chính phủ nước này đã chi 3 triệu bảng Anh cho việc hỗ trợ HDV du lịch của họ.
Website của Hội đồng Du Lịch thế giới thông tin, tại Anh đã chi hỗ trợ số tiền 2.500 bảng/tháng/người, tương đương 75 triệu đồng/tháng, cho nhóm đối tượng là HDV du lịch.
Điều đặc biệt, cả ở Anh và Scotland, HDV du lịch được liệt kê vào nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với các nhóm đối tượng thuộc ngành khác như khách sạn, hàng không nên những người lao động trong lĩnh vực này đều được hỗ trợ như nhau và thủ tục khá đơn giản. HDV chỉ cần cung cấp thẻ HDV du lịch hợp pháp cho cơ quan nhà nước là được nhận hỗ trợ.
Chị Hwang Nari, một HDV tại Hàn Quốc cho biết, “Chính phủ Hàn Quốc đã có hành động rất kịp thời khi có gói hỗ trợ cho lực lượng HDV có thẻ làm việc còn thời hạn và hợp pháp. Theo đó, HDV chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề kèm theo xác nhận của công ty, biên bản nhận tour, hình ảnh khi đi tour hay thậm chí là sao kê ngân hàng thể hiện có nhận thu nhập từ công ty du lịch, nơi đã hợp tác đi tour… là có thể được xét duyệt. Mỗi HDV đã được nhận 1,5 triệu Won, tương đương với 30 triệu đồng. Số tiền này được nhận làm 3 đợt và đã xong”.
Tại Pháp, nếu là hướng dẫn viên chính thức của một công ty thì họ sẽ nhận được đầy đủ lương như bình thường. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ thanh toán 70%, 30% còn lại sẽ do công ty chủ quản thanh toán cho hướng dẫn. Còn trường hợp HDV hoạt động tư do thì sẽ nhận được 1.500 euro/tháng, tương đương 39 triệu đồng, thời hạn hỗ trợ từ từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2021.
“Chúng tôi chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề và giấy xác nhận có hợp tác tour với một công ty du lịch bất kỳ là sẽ nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Hàng tháng, số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chúng tôi. Tuy không nhiều, nhưng nó đủ để giúp chúng tôi duy trì cuộc sống, vượt qua đại dịch”, anh Dominic, một hướng dẫn viên gốc Việt tại Pháp cho biết.
Bên cạnh hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tài chính, một số quốc gia còn có các cách hỗ trợ khác. Cụ thể, ở Bồ Đào Nha, Chính phủ nước này cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí cho lực lượng HDV liên quan đến du lịch hay các mảng khác.
Các khóa học này kéo dài 80 giờ và tính từ tháng 4/2020 đến nay, đã có hơn 150.000 người theo học. Các khóa học này tương đương với trình độ nghề nghiệp cấp 5 và họ hoàn toàn có thể chuyển sang làm một công việc khác trong lúc này và quay lại nghề hướng dẫn viên sau này nếu muốn.
“Để đăng ký khóa học, hướng dẫn viên chỉ cần vào trang web được nhà nước gửi đến, cung cấp một số thông tin cá nhân và thẻ hướng dẫn là được chấp nhận”, anh Nuno, hướng dẫn viên tại Lisbon, Bồ Đào Nha xác nhận.
Tại Singapore, bên cạnh việc hướng dẫn viên được hỗ trợ số tiền lên đến 9.000 đô la Singapore (đô la Sing), tương đương 144 triệu đồng, chia làm nhiều lần, họ còn được cho học một nghề khác hoàn toàn miễn phí và tặng thêm học phí. “HDV chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề cộng với biên bản giao nhận tour từ công ty (job order) mà không cần hợp đồng lao động vì hầu hết hướng dẫn viên tại Singapore là theo dạng tự do”- chị Anne, một hướng dẫn viên gốc Việt tại Singapore cho biết.
Nguồn: Sài gòn tiếp thị, Tạp chí kinh tế Sài Gòn