Khẳng định vị thế bánh mì Việt

Hoàng Ngọc
Có rất nhiều tiềm năng để Lễ hội Bánh mì tiếp tục mở rộng và đổi mới. Việc áp dụng các giải pháp thực phẩm bền vững, thiết lập quan hệ đối tác quốc tế và tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của lễ hội này.
khang-dinh-vi-the-banh-mi-viet-1743529774.jpg
 

Khẳng định vị thế bánh mì Việt

Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ ba diễn ra hồi tháng 3 tại TP. Hồ Chí Minh đã tôn vinh một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất của đất nước, đồng thời mở ra cơ hội để quảng bá văn hóa và ẩm thực Việt ra thế giới. Với sự tham gia của hàng ngàn người yêu thích ẩm thực, đầu bếp và chuyên gia trong ngành, lễ hội không chỉ đơn thuần là nơi thưởng thức bánh mì mà còn là diễn đàn cho các cuộc thảo luận sâu sắc về lịch sử, tác động kinh tế và chiến lược phát triển món ăn này trên toàn cầu.

Nổi bật trong các hoạt động của lễ hội là các hội thảo khoa học, nơi mà các nhà nghiên cứu và chuyên gia chia sẻ những hiểu biết về bánh mì. Một trong những điểm nhấn chính là ý tưởng rằng bánh mì không chỉ là món ăn mà còn là đại sứ ẩm thực của Việt Nam. Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên tại Đại học RMIT, nhấn mạnh: “Bánh mì có thể trở thành biểu tượng ẩm thực toàn cầu giống như pizza, taco hay burger”.

Theo Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, sự thành công của Lễ hội Bánh mì đặt ra câu hỏi thú vị: "Liệu lễ hội này có thể mở rộng ra ngoài phạm vi TP. Hồ Chí Minh hay không?" Câu trả lời là hoàn toàn khả thi. Dự kiến, phiên bản quốc tế đầu tiên của Lễ hội Bánh mì sẽ được tổ chức tại Australia vào tháng 9/2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc quảng bá món ăn phổ biến này đến với nhiều thực khách quốc tế hơn nữa.

hinh-2-nguon-tran-anh-1743529956.jpg
 

Ngoại giao ẩm thực Việt  

Trong bài viết của mình, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho rằng: Việc mở rộng lễ hội ra ngoài biên giới Việt Nam phản ánh một dấu mốc quan trọng trong công tác ngoại giao ẩm thực của đất nước. Cũng như các món ăn khác đã trở thành biểu tượng cho nền văn hóa nơi chúng ra đời, bánh mì đang trên con đường trở thành món ăn đường phố được yêu thích toàn cầu.

Nhìn về phía trước, có rất nhiều tiềm năng để Lễ hội Bánh mì tiếp tục mở rộng và đổi mới. Việc áp dụng các giải pháp thực phẩm bền vững, thiết lập quan hệ đối tác quốc tế và tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của lễ hội này.

Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa ẩm thực đường phố ưu tiên tính tiện lợi, việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trở nên hết sức cần thiết. Lễ hội Bánh mì có thể tiên phong khuyến khích các nhà cung cấp thực phẩm áp dụng chính sách không sử dụng nhựa. Đồng thời, chất thải thực phẩm cũng có thể được giảm thiểu bằng cách phân phối lại đồ ăn không bán được cho các tổ chức từ thiện và thiết lập các trạm ủ phân hữu cơ.

Để duy trì sự hấp dẫn của lễ hội, các ý tưởng sáng tạo cũng được xem là yếu tố quan trọng. Trong khi những công thức chế biến truyền thống vẫn chiếm phần lớn, người tiêu dùng hiện đại ngày càng muốn thử nghiệm các hương vị mới và lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Không gian đổi mới tại lễ hội

Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho rằng: Lễ hội có thể tạo ra một không gian dành riêng cho sự đổi mới, nơi các đầu bếp và thợ làm bánh có cơ hội thử nghiệm với các loại nhân bánh từ thực vật, vỏ bánh không chứa gluten và phong cách Fusion lấy cảm hứng từ ẩm thực toàn cầu. Việc bổ sung một hạng mục bánh mì hảo hạng (gourmet) với các nguyên liệu cao cấp như thịt bò wagyu, pa tê nấm truffle và phô mai thủ công sẽ nâng tầm trải nghiệm ẩm thực cho khách tham dự.

Hơn nữa, khách tham gia lễ hội có thể hiểu rõ hơn về tay nghề chế biến bánh mì thông qua các workshop tương tác, giúp họ khám phá quy trình chế biến từ đầu đến cuối. Những hoạt động này không chỉ mang lại kiến thức mà còn khuyến khích khách tham quan đưa truyền thống vào căn bếp của họ, lan tỏa ảnh hưởng của bánh mì ra xa hơn nữa.

“Danh tiếng của bánh mì còn có thể được mở rộng thông qua việc hợp tác với các đầu bếp trong và ngoài nước. Mời các đầu bếp đạt sao Michelin tham gia hoặc tổ chức các cuộc thi nếm thử bánh mì sẽ giúp thu hút sự chú ý đáng kể từ giới truyền thông và công chúng”, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy viết.

Chiến Lược Marketing Sáng Tạo

Để duy trì đà phát triển của lễ hội, cần thiết phải có các chiến dịch marketing sáng tạo nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của bánh mì ra ngoài khuôn khổ sự kiện. Một ý tưởng có thể là tổ chức "Thử thách Bánh mì" trên mạng xã hội, nơi những người có sức ảnh hưởng và tín đồ ẩm thực giới thiệu các biến thể yêu thích của mình. Điều này không chỉ tạo ra sự lan truyền mạnh mẽ mà còn thu hút thêm sự quan tâm từ công chúng.

Ngoài ra, để thu hút khách du lịch ẩm thực, có thể tổ chức các tour du lịch ẩm thực đường phố có hướng dẫn viên, đưa du khách đến với những hàng bánh mì ngon nhất trên cả nước. Việc bán sách dạy nấu ăn, túi vải và quần áo theo chủ đề bánh mì cũng có thể giúp nâng tầm giá trị của món ăn này, biến nó thành một biểu tượng phong cách sống.

Định nghĩa bản sắc ẩm thực Việt

Lễ hội Bánh mì không chỉ đơn thuần là dịp để tôn vinh món ăn này mà còn là cơ hội để định nghĩa lại bản sắc ẩm thực toàn cầu của Việt Nam. Qua đó, lễ hội tạo ra tiền lệ về sự bền vững và đổi mới cho các sự kiện ẩm thực khác trong tương lai.

Khi Việt Nam tiếp tục phát huy di sản ẩm thực phong phú của mình, câu hỏi không còn là “liệu bánh mì có trở thành biểu tượng toàn cầu hay không?” mà là “khi nào điều đó sẽ trở thành hiện thực?”. Lễ hội Bánh mì là một minh chứng cho sự kết nối giữa văn hóa ẩm thực và di sản dân tộc, khẳng định rằng những món ăn giản dị đôi khi lại có tác động mạnh mẽ nhất đến thế giới xung quanh.

Có thể thấy, Lễ hội Bánh mì Việt Nam là một cơ hội quý báu để tôn vinh và quảng bá một trong những món ăn đặc trưng nhất của đất nước, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành ẩm thực.