Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III góp phần quảng bá và kích cầu du lịch tỉnh Lai Châu

Minh Anh
Đến với Lai Châu, du khách có cơ hội được thưởng ngoạn những thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ như Đèo Ô Quy Hồ, thác Tác Tình, cao nguyên Sìn Hồ, đỉnh Bạch Mông Lương Tử - một trong 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam; được tìm hiểu bản sắc văn hóa riêng độc đáo của 20 dân tộc anh em với những bản du lịch cộng đồng còn nguyên sơ, những người dân bản địa vô cùng thân thiện và mến khách; được hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc qua di tích Bia Vua Lê Thái Tổ, Đền thờ Nàng Han...
ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-mong-lan-thu-iii-gop-phan-quang-ba-va-kich-cau-du-lich-tinh-lai-chau-dulichvnnetvn-van-hoa-1640370372.jpg
Ngày Hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lai Chấu với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển"

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 tại TP.Lai Châu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức. Lễ khai mạc đã tạo được ấn tượng với đại biểu và du khách bằng chương trình nghệ thuật độc đáo, sôi động, tái hiện quá trình lịch sử hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, phản ánh rõ bản sắc văn hóa đặc trưng và đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông.

Đến với Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, đến với Lai Châu, du khách có cơ hội được thưởng ngoạn những thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ như Đèo Ô Quy Hồ, thác Tác Tình, cao nguyên Sìn Hồ, đỉnh Bạch Mông Lương Tử - một trong 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam; được tìm hiểu bản sắc văn hóa riêng độc đáo của 20 dân tộc anh em với những bản du lịch cộng đồng còn nguyên sơ, những người dân bản địa vô cùng thân thiện và mến khách; được hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc qua di tích Bia Vua Lê Thái Tổ, Đền thờ Nàng Han...

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 quy tụ trên 400 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên quần chúng là người dân tộc Mông của 11 tỉnh có người Mông cư trú trên phạm vi cả nước. Đó là Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Thanh Hóa và Đắc Lăk. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông các tỉnh tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, còn là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phục hồi du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực Tây Bắc.

Trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh Lai Châu còn tổ chức nhiều hoạt động như khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững”; trải nghiệm sản phẩm du lịch tại huyện Tam Đường; Festival dù lượn.

Ngày hội là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Lai Châu và các địa phương tham gia trong việc góp phần kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thời gian tới, Lai Châu tập trung đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, cùng cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 - (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ).

Nguồn: TTX