Tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử chiều 10/3, lãnh đạo các Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT, Công ty cổ phần DTT... đều đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong thời gian qua, các chính sách quan trọng đã được thực hiện, tiêu biểu như: Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do trực tiếp Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban; Ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia,… Đặc biệt qua Nghị quyết 17, chúng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của các yếu tố nền tảng là xây dựng thể chế và các nền tảng dùng chung, là yếu tố tạo bước đột phá mới cho chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đủ năng lực, nguồn lực giải những ‘bài toán’ lớn
Tại Hội nghị, chia sẻ về kết quả xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã đánh giá các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đương đầu với những thách thức trong giai đoạn mới.
“Ban đầu, chúng tôi kê ra 103 đầu việc cho VNPT, ngày nào việc ấy, tưởng khó có thể vượt qua được. Hay như việc sản xuất máy thu nhận vân tay. Trước đây chúng ta phải nhập của nước ngoài, sau khi chúng tôi làm việc với Đại học Bách khoa, các đồng chí ấy đã sản xuất được. Trong khó khăn, chúng ta lại phát huy được trí tuệ, sự sáng tạo linh hoạt”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Từ kinh nghiệm rút ra trong quá trình đồng hành cùng Chính phủ và bộ ngành triển khai các hệ thống nền tảng quốc gia về Chính phủ điện tử, triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh IOC… ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực, nguồn lực và công nghệ để giải quyết được những bài toán chuyển đổi số quốc gia tưởng chừng như rất khó.
Theo ông Phạm Đức Long, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp số cần đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong vấn đề tư vấn về công nghệ, hệ thống, khung kiến trúc để giải quyết nhu cầu của địa phương.
“Vấn đề đặt ra là không chỉ cung cấp những gì chúng ta có mà cùng đồng hành giải quyết nhu cầu của địa phương”, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Hơn nữa việc triển khai các hệ thống này nên trên một nền tảng. Có như thế mới dễ dàng nhân rộng. Ví dụ như triển khai thành công ở 1 tỉnh có thể nhân rộng ra các tỉnh khác, thành công 1 xã có thể nhân rộng ra nhiều xã mà không phải làm mới nhiều.
Nhấn mạnh đến việc các nền tảng “Make in Viet Nam” đã giúp ứng phó kịp thời dịch bệnh, thúc đẩy triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận định: “Chúng ta đang hội đủ các yếu tố để đẩy nhanh và triển khai thành công các nền tảng số và tiến tới triển khai chuyển đổi số hiệu quả”.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đại diện tập đoàn Viettel đề nghị đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý nhanh hơn nữa để cho các nền tảng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sẵn sàng triển khai sớm đi vào cuộc sống. Có cơ chế cho phép doanh nghiệp ứng vốn thực hiện: Các doanh nghiệp có năng lực công nghệ, tiềm lực tài chính có cơ chế để ứng vốn nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ CNTT… Sau đó, Chính phủ sẽ thực hiện thủ tục hoàn trả. Đồng thời có cơ chế cho phép doanh nghiệp sử dụng, khai thác các dữ liệu số được hình thành trong quá trình vận hành hệ thống để tạo ra các giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Đánh giá sự tiến bộ vượt bậc trong thúc đẩy Chính phủ điện tử, đặc biệt trong vấn đề xây dựng các quy định, nghị định, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đặt câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy nhanh hơn nữa?
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Cú hích” từ dữ liệu mở
Theo ông Trương Gia Bình, đó là vấn đề cơ chế tài chính. Dường như các bộ, địa phương không biết năm tới sẽ được chi bao nhiêu cho CNTT. Từ thực tiễn làm chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình hy vọng có hành động quyết liệt nhất liên quan đến tài chính cho công nghệ thông tin.
Đề cập đến vai trò của dữ liệu mở trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT cho rằng: “Dữ liệu mở không chỉ đơn thuần là chuyện mở dữ liệu. Muốn mở dữ liệu thì chắc chắc dữ liệu phía trong chúng ta phải làm tốt. Dữ liệu mở là phương thức có giá trị chiến lược giúp cải cách quản trị công sử dụng dữ liệu. Chỉ khi chúng ta tự tin về dữ liệu của Chính phủ thì mới mở dữ liệu đó chính xác cho người dân. Nếu như thời gian vừa qua chúng ta làm dịch vụ công trực tuyến rất tốt thì giai đoạn tiếp theo làm dữ liệu mở sẽ tạo ra cú hích rất lớn” .
Ở mục tiêu cao, dữ liệu mở vừa là công cụ phát triển kinh tế, vừa phát triển xã hội. Dựa trên dữ liệu mở, doanh nghiệp và mọi cá nhân đều có thể khai thác dữ liệu (được coi là tài nguyên “mới”) để phát triển tăng thêm giá trị kinh tế cũng như tạo ra phương tiện để xã hội có thể tham gia cùng Chính phủ trong công việc.
Tại Việt Nam, dữ liệu mở được làm từ năm 2018 và thể chế hóa vào năm 2020 (Nghị định 47 ngày 09/04/2020). Đến năm 2021, dữ liệu mở mới chỉ đi bước đầu tiên tại Trung ương và một vài địa phương, khởi đầu là dữ liệu mở trong các hợp phần của dự án nước ngoài tài trợ (Nông nghiệp, bản đồ tài nguyên môi trường), tiếp theo là cổng dữ liệu mở Đà Nẵng và đặc biệt là Đề án Tri thức Việt Số Hóa (năm 2017).
Trong các đánh giá quốc tế, Việt Nam còn xếp hạng thấp về dữ liệu mở. Theo thống kê có khoảng hơn 100.000 bộ dữ liệu mở tại Việt Nam có giá trị nhưng chưa có sự thống nhất, kết nối và chuẩn hóa. Nhiều dữ liệu (mở) chưa chính thức chuyển sang chuẩn dữ liệu mở. Hiện nay vẫn còn thiếu vắng giấy phép dữ liệu mở Việt Nam. Thiếu kế hoạch hành động cụ thể về dữ liệu mở tại từng bộ ngành, địa phương. ..
Ông Nguyễn Thế Trung đề xuất, để hướng giá trị của dữ liệu mở không chỉ là sự minh bạch mà còn là công cụ phát triển kinh tế-xã hội, cần đẩy mạnh những mô hình, hoạt động để các bên tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp, tham gia khai thác dữ liệu này tạo ra giá trị kinh tế.
Hơn nữa, Chính phủ cũng cần đặt chỉ tiêu xếp hạng Dữ liệu mở của Việt Nam trên các đánh giá quốc tế ở mức phù hợp.
Với các điều kiện đã được thiết lập về thể chế, cổng dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng các dữ liệu mở (không phải chỉ xây cổng) tại các cơ quan nhà nước và sớm ra mắt giấy phép dữ liệu mở Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ các sáng kiến đã hình thành như Công khai y tế, công khai thống kê, công khai ngân sách, iGiaoduc, VMAP để biến các sáng kiến này thành các nền tảng dựa trên dữ liệu mở để xã hội tham gia và cộng tác nhiều hơn (như trong chống dịch) và tạo ra giá trị kinh tế (nâng cao năng suất, hiệu quả cơ quan nhà nước) và khởi tạo các dịch vụ và cơ hội kinh doanh mới.
http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Tap-doan-doanh-nghiep-Viet-Nam-san-sang-nhan-nhiem-vu-moi-va-kho-trong-chuyen-doi-so/425353.vgp