Hà Nội dự kiến phục vụ khách nội đô trong tháng 10
Tại Hà Nội, các khu lưu trú, các điểm vui chơi giải trí lớn chưa được hoạt động. Tuy nhiên, người dân thủ đô có thể đến các điểm thư giãn ngoài trời hay các khu cắm trại tại Sóc Sơn, Đồng Mô, Ba Vì (bên ngoài VQG)... và đảm bảo không tụ tập quá 10 người.
Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm đang được Sở Du lịch Hà Nội tham mưu xây dựng chi tiết với UBND Thành phố.
Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế đang xây dựng để thống nhất ban hành; dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” gắn với 04 giai đoạn.
Dự kiến, khi UBND Thành phố cho phép, trong tháng 10 Du lịch Hà Nội có thể sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 03. Cụ thể, các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện sẽ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số dịch vụ đi kèm như spa, phòng gym, karaoke… vẫn bị hạn chế. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố.
Khi thành phố chuyển sang giai đoạn “Bình thường mới”, Sở Du lịch sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị tiếp tục mở cửa du lịch theo giai đoạn 04. Ở gia đoạn này, các doanh nghiệp du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách du lịch tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô. Theo đó, 100% đơn vị cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Đồng thời, Sở Du lịch thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cập nhật về các chính sách, quy định phòng, chống dịch đối với các sở dịch vụ, lưu trú, điểm đến trên địa bàn thành phố.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch.
Thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, câu lạc bộ và doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn Hà Nội đã rất tích cực quan tâm chuẩn bị các sản phẩm du lịch an toàn cho giai đoạn sau dịch.
Tỉnh Bình Thuận thí điểm đón khách nội địa và người nước ngoài đang sống tại Việt Nam từ 20/10
Tỉnh Bình Thuận thí điểm đón khách nội địa và người nước ngoài đang sống tại Việt Nam với yêu cầu đạt tiêu chí an toàn, nhưng từ 20/10. Điểm đến là các khách sạn có quyết định công nhận hạng 3-5 sao hoặc tương đương, dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận. Địa bàn thực hiện thí điểm chủ yếu tập trung tại TP Phan Thiết, riêng các huyện, thị xã tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương có thể xem xét việc mở cửa thí điểm...
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận vừa xây dựng kế hoạch đón khách du lịch nội địa từ ngày 20/10 - 25/12/2021 với chủ đề “Bình Thuận, điểm đến an toàn mùa Covid” và sẽ thí điểm chủ yếu tại khu vực TP. Phan Thiết. Chương trình phục hồi du lịch nội địa sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thí điểm mở cửa đón khách từ 20/10 - 25/12/2021, áp dụng với các khách sạn từ 3 - 5 sao hoặc tương đương và dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận. Sau thời gian thí điểm, tỉnh Bình Thuận sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá để xem xét tiếp tục mở rộng đến các đơn vị, cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Thuận đang được khẩn trương xây dựng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận sẽ hướng dẫn các khách sạn lập hồ sơ đăng ký tham gia kế hoạch thí điểm đón khách; đồng thời có văn bản khuyến cáo cách khắc phục với các đơn vị không đủ điều kiện.
Tỉnh Bình Thuận đang tiến hành tiêm đủ liều vaccine cho nhân viên ngành Du lịch (trước mắt là toàn bộ lao động tại các khách sạn, điểm tham quan tham gia cung cấp dịch vụ được tỉnh công nhận), xây dựng lộ trình đưa đón và phục vụ khách tại cơ sở lưu trú, điểm tham quan nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận sẽ thành lập Ban điều hành đón khách du lịch nội địa trong giai đoạn thí điểm này, gồm lãnh đạo chính quyền cấp huyện, chủ cơ sở lưu trú và đơn vị liên quan như y tế, công an, văn hóa – thông tin và các xã, phường nơi có cơ sở lưu trú du lịch. Ban điều hành có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch đối với khách du lịch và người lao động tại cơ sở lưu trú trên địa bàn; tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn, quy định của kế hoạch và suốt quá trình phục vụ khách.
Dịch vụ du lịch nội thành Đà Nẵng mở cửa từ tháng 12, đón khách nội địa từ tháng 1/2022
Từ 0h ngày 30/9, TP Đà Nẵng cho phép người dân tắm biển từ 4h30 đến 6h30 và rời đi ngay, không tắm nước ngọt, tụ tập, vui chơi thể thao tại bãi biển. Các khách sạn, cơ sở lưu trú được hoạt động trở lại nhưng không quá 30% số phòng hiện có; trường hợp đón khách đã tiêm đủ liều vaccine và khỏi bệnh Covid-19 thì được lưu trú không quá 50% số phòng.
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã và đang hoàn thiện kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong TP trên cơ sở cập nhật và theo dõi toàn bộ tình hình, diễn biến dịch bệnh cũng như kiểm soát dịch bệnh trong nước và quốc tế. Trong kế hoạch khôi phục này, ngành Du lịch Đà Nẵng sẽ xây dựng các phương án đón và phục vụ khách nội địa riêng và khách quốc tế riêng.
Dự kiến lộ trình mở cửa du lịch thành phố: Nếu tháng 12/2021 Đà Nẵng hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 80% người dân trên 18 tuổi trở lên và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch thì sẽ thực hiện mở cửa các dịch vụ phục vụ du lịch cho người dân thành phố đi du lịch trong thành phố. Các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản liên quan đến phòng, chống dịch đến cơ sở vật chất, phương tiện và người lao động. Dự kiến từ tháng 1/2022, Đà Nẵng sẽ bắt đầu mở cửa phục vụ khách nội địa bao gồm tất cả các dịch vụ phục vụ khách đi lẻ tại các điểm vui chơi và sẽ có một số chương trình tour hay combo dành cho khách đi theo nhóm nhỏ. Dự kiến từ quý 2/2022 sẽ thí điểm đón khách quốc tế nếu Chính phủ cho phép và mô hình của Phú Quốc thành công.
Khẳng định "Huế - điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện"
Cũng từ 1/10, tại Thừa Thiên Huế, Đại nội và một số lăng tẩm triều Nguyễn mở cửa trở lại sau 4 tháng dừng hoạt động phòng dịch. Điểm di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định sẽ mở cửa, song du khách chỉ tham quan khu vực ngoài trời, không vào trong các cung điện. Tỉnh cũng cho phép nhà hàng, quán cà phê mở cửa sau 22h với công suất không quá 50%.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch đối với các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ. Tiếp tục cập nhật và triển khai hệ thống Bluemap (bản đồ các điểm du lịch an toàn), bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong bối cảnh mới nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch.
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiến hành xây dựng cơ chế đón khách đến từ các địa phương không có dịch; khách du lịch đến từ các địa phương có dịch nhưng không nằm trong vùng bị cách ly. Đẩy mạnh việc triển khai, phần mềm dùng chung, liên thông dữ liệu để nâng cao nâng lực quản lý ngành và phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trước mắt, kích hoạt các cơ sở lưu trú có thu phí, tổ chức tốt các chuyến bay charter đưa công dân về cách ly có thu phí tại các cơ sở lưu trú theo hình thức tự nguyện, đảm bảo an toàn trong quá trình cách ly.
Tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch nội địa, nhất là khách nội tỉnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch tại các địa phương lân cận, các tỉnh, thành hết dịch để tổ chức các gói sản phẩm hấp dẫn hoặc các chương trình kích cầu.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức quảng bá, tập trung công tác truyền thông tại chỗ thông qua các trang mạng xã hội. Triển khai gói quảng bá truyền hình và kỹ thuật số trên kênh CNN đối với các thị trường ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tối ưu hóa quảng cáo đối với các thị trường truyền thống để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế.
Từ ngày 1/10 Hải Phòng mở cửa phục vụ khách nội tỉnh
Từ ngày 1/10, Hải Phòng cho phép mở lại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, phục vụ khách nội tỉnh. Khách và người trực tiếp hướng dẫn phải đảm bảo một trong các điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2; đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc chứng nhận khỏi Covid-19. Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng chỉ phục vụ khách đang lưu trú.
Du khách có thẻ xanh hoặc thẻ vàng Covid-19 có thể đến Khánh Hòa từ 16/10
Tại miền Trung, từ ngày 1 đến 15/10, khách nội tỉnh Khánh Hòa có thẻ xanh Covid-19 (đã tiêm hai mũi vaccine) hoặc thẻ vàng Covid-19 (tiêm một mũi) có thể đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực biệt lập. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ với điều kiện đăng ký, được cấp thẩm quyền cho phép.
Từ ngày 16/10 đến 15/11, cơ sở du lịch của tỉnh đón khách trong nước áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động, song phải đảm bảo an toàn. Người dân ở "vùng xanh" được tắm tại các bãi biển thuộc "vùng xanh", không quá 5 người.
Quảng Bình đón khách du lịch đã tiêm vaccine, tham gia các tour khép kín từ tháng 10
Từ tháng 10, tỉnh Quảng Bình cho phép doanh nghiệp đón khách du lịch đã tiêm vaccine, tham gia các tour khép kín. Cụ thể, khách đã tiêm 2 mũi được cấp thẻ xanh, khách mới tiêm một mũi được cấp thẻ vàng, yêu cầu kèm test nhanh hoặc RT-PCR âm tính. Những du khách này sẽ lưu trú và tham gia các tour khép kín, không tự do hoạt động bên ngoài.
Tại Bắc Giang, nhiều khu, điểm du lịch mở cửa trở lại từ 30/9 phục vụ khách nội tỉnh. Cụ thể là khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), điểm du lịch cộng đồng bản Ven (xã Xuân Lương, Yên Thế). Trước đó từ 12/9, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) và các sân golf trên địa bàn tỉnh đã hoạt động.
Nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng đã cho phép hoạt động du lịch trở lại đón khách nội tỉnh. Một số khu nghỉ dưỡng ở Sa Pa (Lào Cai) và Hòa Bình đón khách ở vùng xanh có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch như Củ Chi, Cần Giờ đã mở tour khép kín đầu tiên ngày 19/9 và dự kiến triển khai các tour tiếp theo trong thời gian tới.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh cho phép 4 cơ sở lưu trú thí điểm đón khách nội địa gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo Resort (huyện Côn Đảo) nếu bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch theo yêu cầu của UBND tỉnh. Du khách phải tiêm 2 mũi vaccine (đã qua 14 ngày từ mũi tiêm cuối); được đưa đón khép kín từ nơi ở của du khách đến cơ sở lưu trú; trong quá trình sử dụng dịch vụ không ra khỏi khuôn viên của cơ sở lưu trú...
Nhiều địa phương mở các hoạt động du lịch Khu nghỉ dưỡng Sa Pa có hồ bơi độc đáo nhất thế giới Mở cửa Phú Quốc và kinh nghiệm từ 'Hộp cát Phuket' Quảng Bình đón khách du lịch có thẻ xanh, thẻ vàng Đồi cỏ lau rực hồng ở Đà Lạt
Ngoài ra, các địa phương khác trong cả nước cũng đã sẵn sàng chuẩn bị lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại trong điều kiện cho phép.
Nguồn: Tổng hợp