Phát huy thế mạnh sẵn có
Thống kê của các hãng lữ hành cho thấy, số lượng khách Hồi giáo từ Singapore, Malaysia, Indonesia đến Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều du khách Hồi giáo từ Đông Nam Á cùng nhiều khu vực khác như Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ… Chỉ riêng một số đại lý tour Hồi giáo ở TP.HCM khai thác khách tuyến TP.HCM-Đà Lạt- Mũi Né từ đầu năm đến nay đạt từ 15-43 đoàn khách/tháng.
Xu thế du lịch từ năm 2023 đến nay của người Hồi giáo là đang có xu hướng đi về Đông Nam Á, một khu vực còn khá mới lạ trên bản đồ du lịch Hồi giáo. Với lợi thế có rất nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, là kỳ quan thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, do đó Việt Nam đang là điểm đến có số du khách Hồi giáo tăng lên đáng kể. Người Hồi giáo rất chú ý và đã bị hấp dẫn, họ mong muốn được đi du lịch Việt Nam, trải nghiệm các điểm đến đó.
Ông Trần Văn Tân Cương - Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam có ưu điểm, lợi thế với du lịch núi non, sông nước, cảnh đẹp, văn hóa khác biệt giữa các vùng miền tạo sự hấp dẫn, ham muốn trải ngiệm và khám phá, mong muốn quay lại, bên cạnh đó còn có nhiều di tích lịch sử, chứng tích truyền thống.
Du lịch Việt Nam có thể khai thác rất đa dạng các loại hình từ trecking đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng du lịch golf, du lịch mice... Khác với một số quốc gia chỉ du lịch đơn thuần camping, picnic ngoài trời.
Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam lại được đánh giá là điểm đến mới của du khách Hồi giáo, theo đó cơ hội để thu hút dòng khách này đang rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh sức hấp dẫn về cảnh quan, Việt Nam cần tăng cường cơ sở phục vụ lưu trú, ẩm thực theo tiêu chuẩn Halal, các điểm cầu nguyện, mua sắm… phục vụ du khách Hồi giáo.
Tăng cường bổ sung dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách du lịch
Cụ thể, Giám đốc truyền thông Công ty Halal Quốc gia Việt Nam Tạ Việt Hằng cho biết: Chiều 19/7, tại nhà hàng Spices Taste of Indian (37 Quang Trung, Hà Nội) đã diễn ra Lễ công bố Halalfood for Muslim nhằm kết nối khách hàng và phục vụ Halalfood (thực phẩm Halal) cho du khách, cộng đồng Hồi giáo đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Sự kiện đã thu hút hơn 300 khách là người Hồi giáo và thực khách yêu thích ẩm thực Halal. Với số lượng khách tham dự sự kiện tăng gấp 4 lần dự kiến, cho thấy nhu cầu về thực phẩm Halal tại những nhà hàng đạt chuẩn Halal đang rất lớn. Không chỉ vậy, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal, do các mặt hàng này đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu khá nhiều cơ sở phục vụ lưu trú, ẩm thực theo tiêu chuẩn Halal, các điểm cầu nguyện, mua sắm… phục vụ du khách Hồi giáo.
Đại diện Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, sự phân bổ khách du lịch hồi giáo tại Việt Nam còn chưa đồng đều, du khách tập trung đến trên 80% ở phía Nam và chỉ chưa tới 20% ra Bắc. Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất phục vụ cho dòng khách này tại miền Bắc còn thiếu. Chỉ tính riêng tại thành phố Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, số người Hồi giáo đang sinh sống, làm ăn và du lịch hiện nay có khoảng 3.000-5.000 người, nhưng mới chỉ 5-6 nhà hàng có người Hồi giáo làm chủ hoặc ở các khách sạn là Melia và Cosiana có bếp riêng cho người Hồi giáo nhưng chưa có điểm du lịch nào set up được dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm phù hợp với người Hồi giáo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, người Hồi giáo khi đi du lịch họ sẽ quan tâm đến thực phẩm Halal, đồng thời họ mong muốn được trải nghiệm ẩm thực địa phương. Nhiều món ngon nổi tiếng của Việt Nam như: Bún, Phở, bánh mì pate, nem rán... được du khách tìm kiếm rất nhiều, nhưng cách thức phục vụ của các quán ăn ẩm thực địa phương hầu hết chưa phù hợp với người Hồi giáo. Các dịch vụ khác như lưu trú Hala, điểm cầu nguyện, vui chơi giải trí, sản phẩm tiêu dùng và shoping, lưu niệm... đều chưa chú ý khai thác nhu cầu dòng khách này.
Chưa kể, tiêu chuẩn chứng nhận Hồi giáo hiện nay cũng chưa đồng bộ và đa số chưa đáp ứng được chuẩn Hồi giáo quốc tế, trong khi khách du lịch Hội giáo là khách quốc tế. “Nhiều quán ăn treo biển Halal nhưng chỉ chú ý thức ăn Halal nhưng chưa quan tâm đến cách thức phụ vụ Halal, chưa quan tâm đến yếu tố tôn giáo và văn hóa của khái niệm Halal nên không đáp ứng được nhu cầu khách Hồi giáo” – bà Tạ Việt Hằng thông tin thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, khách du lịch Hồi giáo là tệp khách rất tiềm năng, họ có nhu cầu du lịch cao, đi đông người và dài ngày, chi tiêu nhiều trong khi đi du lịch. Việt Nam lại được đánh giá là điểm đến mới của du khách Hồi giáo, theo đó cơ hội để thu hút dòng khách này đang rất lớn.
Để thu hút mạnh mẽ du khách Hồi giáo đến với Việt Nam trong thời gian tới, ông Hosen Yousof, Tổng giám đốc Công ty CP Halatrip Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý cùng với các doanh nghiệp khai thác du lịch phải chung tay để xây dựng đồng bộ: Bộ quy chuẩn chung về quản lý khai thác các dịch vụ du lịch Halal; xây dựng cơ sở vật chất hệ thống dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn; đào tạo nguồn nhân lực Halal theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ khách du lịch quốc tế từ văn hóa giao tiếp ứng, quy trình phục vụ, nhu cầu riêng biệt của khách Hồi giáo… Đặc biệt, cần phát triển truyền thông gia tăng hình ảnh và uy tín của thương hiệu Halal Việt Nam grong mắt bạn bè Hồi giáo quốc tế; tăng cường các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại và du lịch hai chiều với các quốc gia Hồi giáo; tạo ra nhiều sản phẩm chứng nhận Halal để đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người Hồi giáo…
Phát triển nguồn nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chí Halal
Halal là tiêu chuẩn dựa trên luật của Hồi giáo, mà trong đó có các quy định đặc biệt liên quan đến ăn kiêng, nguồn gốc thức ăn và cách chế biến. Do đó, khi tăng cường các nguồn nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chí này sẽ là những lợi thế để thu hút du khách Hồi giáo đến với vIệt Nam.
Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam cho biết, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện phục vụ khoảng hơn 2 tỷ người. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Không chỉ vậy, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal, do các mặt hàng này đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Ngày càng có nhiều siêu thị và đại siêu thị đang cho lên kệ hàng các sản phẩm Halal để thu hút người Hồi giáo. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD.
Việt Nam nằm ở một vị trí rất thuận lợi, nguyên liệu phong phú và giá rẻ. Số doanh nghiệp Việt muốn tham gia khai thác thị trường Halal đang tăng nhanh. Đặc biệt, phát triển công nghiệp Halal sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển sang các thị trường, dịch vụ khác như hoạt động du lịch Halal, Halal Airlines, nhà hàng Halal và khách sạn Halal, logictics Halal...
Một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế, ông Nguyễn Văn Cảm, Công ty CPV Food Bình Phước cho biết: Thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản. Các sản phẩm mà CPV Food đã bán cho nhà hàng khách sạn và các khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam là sản phẩm thịt gà Halal. Đại diện CPV Food cũng cho rằng, khi đạt được chứng nhận Halal thì đã chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng nghĩa là không có động vật bệnh và chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận với các thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo.
Giám đốc Quan hệ công chúng Công ty Berlin Love Việt Nam Đinh Hữu Phúc cũng cho biết, doanh nghiệp này đang có kế hoạch xuất khẩu hai sản phẩm chủ lực là trà lá Tre Bleaf và nước khoáng Tre Balala sang thị trường Trung Đông. Hiện hai sản phẩm này đang trong quá trình hoàn thiện chứng nhận Halal quốc tế.
Đại diện một số doanh nghiệp đã chinh phục thành công thị trường Halal cho rằng: Doanh nghiệp cần cam kết đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn Halal, đồng thời duy trì sự đảm bảo tinh khiết của sản phẩm theo yêu cầu của các quốc gia Hồi giáo. Để thuận lợi khi chinh phục thị trường Halal, các doanh nghiệp cũng nên tham khảo ý kiến, xin tư vấn từ các chuyên gia tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn về Halal của Việt Nam, như vậy sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn Halal theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước chinh phục thị trường Halal, ông Trần Văn Tân Cương đưa ra kiến nghị, Chính phủ và các địa phương cần tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal tại Việt Nam; phát triển ngành công nghiệp Halal và tích cực khai thác thị trường Halal đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt nên quan tâm làm chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình để xuất khẩu vào thị trường Halal toàn cầu.
Công ty Halal Quốc gia Việt Nam vừa trao chứng nhận Halalfood và Halal Kitchen cho khu vực tầng 2 dành cho thực phẩm tại nhà hàng Spices Taste of Indian, 37 Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vielanka, sau 3 tháng khảo sát, tư vấn, đào tạo, áp dụng quy trình đánh giá. Sự kiện là cơ hội để tạo kết nối hợp tác với các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ du lịch Hà Nội mong muốn khai thác dòng khách du lịch Hồi giáo.
Sự kiện cũng nhằm giới thiệu cho các cộng đồng Hồi giáo đang sinh sống làm ăn tại Hà Nội một địa chỉ Halalfood for Muslim theo tiêu chuẩn quốc tế mới nhất; Giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý người Việt trải nghiệm văn hóa ẩm thực Halal ngay tại Việt Nam; Tạo cơ hội kết nối kinh doanh, liên kết hợp tác giữa các bên, đặc biệt là cơ hội hợp tác phát triển du lịch và thương mại hai chiều.
Qua sự kiện cũng giới thiệu tới các bên về dịch vụ set up sản phẩm du lịch mẫu của Công ty Cổ phần HalalTrip Việt Nam, từ tư vấn, đào tạo, hợp tác chứng nhận đến xúc tiến, truyền thông, kết nối... giúp doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch Halal nhanh chóng nhập cuộc, kinh doanh đồng bộ, hòa vào mạng lưới Hệ sinh thái Halal để quá trình kinh doanh đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả cao.
Thông điệp kết nối giữa các bên, đặc biệt là sự vào quộc của các đại diện quốc gia Hồi giáo và cơ quan quản lý du lịch Việt Nam, để lĩnh vực du lịch Halal Việt Nam nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, bắt kịp với nhịp độ kinh doanh của khu vực và vươn ra thế giới. Việt Nam với tiềm năng du lịch của mình, cần phải trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch Hồi giáo cao cấp.