Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, gia đình nào có một chiếc đài chạy băng cassette là một niềm kiêu hãnh. Thanh niên được nghe nhạc, từ bài hát Việt Nam cho tới những nhạc phẩm nổi tiếng thế giới. Từ thời điểm đó, nhiều thay đổi trong cuộc sống diễn ra nhanh và mạnh mẽ. Các ban nhạc bán chuyên nghiệp, chuyên nghiệp được thành lập tạo nên những làn gió mới, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho thanh niên bấy giờ.
Từ nỗi khao khát âm nhạc của thanh niên thập niên 80,90
Cuối thập niên 1980, thông tin ở Việt Nam rất nghèo nàn, nhất là mảng âm nhạc và điện ảnh nước ngoài.
Còn nhớ, những năm 90 của thế kỷ trước, ngày 8/12 năm nào cũng là dịp để các tín đồ của The Beatles hội ngộ với nhau tại các trường Đại học Sư phạm, Đại học Kiến trúc, …để tưởng niệm nĐhững người hùng của họ. Đời sinh viên được ghi dấu bằng kỷ niệm đi dự dạ hội sinh viên. Những đêm nhạc sinh viên trở thành một phần ký ức ngọt ngào.
Những đêm nhạc sinh viên, nhạc trẻ được tổ chức ở công viên Thống nhất, ở trường đại học Ngoại ngữ, thậm chí ở Bệnh viện 108… sân khấu giản dị, mộc mạc không hề được trang trí. “Ở đó, chúng tôi được “bày biện cảm xúc của mình. Dư dật nhất chính là khán giả” - nhạc sĩ Quang Vinh, người từng khuynh đảo nhiều trái tim thiếu nữ một thời chia sẻ. Còn sinh viên của thập niên đó, không thể quên hình ảnh Tùng John ôm chiếc guitar cất cao tiếng hát với những ca khúc Yesterday, Let it be, I wanna hold your hand.... Khán giả say sưa, cuốn hút khi nghe nhưng những cảm xúc ấm áp trong nhạc Beatles. Thời đó, hầu hết sinh viên các trường đại học đều mê The Beatles. Họ coi nhạc Beatles như một thứ tôn giáo và đã thể hiện tất cả sự đam mê của mình trong những buổi biểu diễn. Nhiều ban nhạc nổi tiếng của các trường đại học cover lại các ca khúc nước ngoài rồi có sự thay đổi, sáng tác, tự chơi các bài hát của chính ban nhạc mình. Đó cũng là thời điểm các ca khúc Việt được yêu thích và phổ biến rộng rãi.
Những thương hiệu âm nhạc trong thanh xuân của lớp khán giả ngày nay
Dihavina là một thương hiệu luôn phải được nhắc đến trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20.
Khán giả yêu nhạc, nhất là người Hà Nội, thập niên 1990 mấy ai không từng ngây ngất với những “Hoa sữa” qua giọng hát Thanh Lam; “Nhớ về Hà Nội”, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Hồng Nhung; còn Mỹ Linh là “Hà Nội đêm trở gió”… Trước đó, hàng loạt ấn phẩm băng cassette liên tục được tung ra thị trường góp phần đưa hai giọng ca ngọt ngào Trung Đức và Thu Hiền thành những ngôi sao sáng giá. Nhiều bản thu âm ngày đó đều do một chuyên gia âm thanh hàng đầu, đồng thời là cựu giám đốc NXB Âm nhạc, nhạc sĩ Lương Dũng thực hiện.
Sản xuất băng đĩa nhạc cũng có nhiều thay đổi theo sự phát triển của khoa học cùng ngành giải trí. Thời gian đầu khi Dihavina chủ yếu sản xuất đĩa than. Phần thu âm thực hiện trong nước, in đĩa tại Tiệp Khắc nên chất lượng đĩa than của Dihavina giai đoạn đó luôn đứng hàng đầu. Cho tới bây giờ, các đĩa than của Dihavina vẫn là loại đĩa được các nhà chơi âm thanh yêu thích và sưu tầm.
Làn sóng xanh được tổ chức lần đầu vào năm 1997, với cơ quan chủ quản là đài FM 99.9MHz của Đài tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm đầu, đây là bảng xếp hạng và là giải thưởng uy tín, bất cứ ca sỹ nào cũng mong được xuất hiện trong chương trình, đạt được giải thưởng "Làn sóng xanh" coi như bước ngoặt trong sự nghiệp của họ. "Làn sóng xanh" đã làm được những điều mà giới âm nhạc mơ ước, tập hợp quanh mình một đội văn nghệ sĩ trẻ, tài năng, đi đầu trong công cuộc phát triển nhạc nhẹ trong nước, thu hút được mối quan tâm của đa số người làm ca nhạc trên khắp Việt Nam.
Các bản tình ca như “Tình thôi xót xa”, “Kiếp ve sầu”… từng làm nên tên tuổi của Lam Trường, Đan Trường… được phát sóng hàng tuần trên "Làn sóng xanh" đánh dấu sự lên ngôi của một thế hệ ngôi sao mới cho nhạc trẻ Việt. Ở giai đoạn 1997 - 2001, bảng xếp hạng "Làn sóng xanh" là nơi các ca khúc của Hồng Nhung, Quang Linh, Bằng Kiều, Phương Thanh, Mỹ Linh, Thu Phương... thay nhau thống trị. Từ năm 2001 trở đi, bảng xếp hạng tiếp tục đón nhận những ca sĩ mới như Mỹ Tâm, Đoan Trang, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Quang Vinh, Quang Dũng, Tuấn Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Hồng Ngọc, nhóm MTV, Trio 666, Mắt Ngọc... cùng những nhạc sỹ Dương Thụ, Bảo Chấn...
Sự ra đời của MTV Việt Nam đem đến cách thưởng thức âm nhạc mới cho người trẻ. Người xem truyền hình được cập nhật bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế gần như song song với các nước khác. Cùng với đó, những chương trình âm nhạc xuất hiện trên sóng truyền hình như Trò chơi âm nhạc, Bài hát Việt đã đem đến cho khán giả những kiến thức mênh mông của âm nhạc Việt Nam và quốc tế theo một con đường phổ cập đơn giản và rộng khắp. Bài hát Việt là cuộc thi sáng tác dành cho những người viết nhạc chuyên và không chuyên, khẳng định giá trị của âm nhạc Việt. Nhiều nhạc sĩ đã được biết đến qua thương hiệu chương trình này như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Lưu Hà An…Những thế hệ người viết nhạc mới xuất hiện với tư duy âm nhạc mới, hiện đại, đậm dấu ấn cá nhân: Lê Cát Trọng Lý, Sa Huỳnh, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Hùng....
“Những ngọn gió thanh xuân” như một cuộc sơ kết, dạo qua những điểm nhấn âm nhạc đã làm nên ký ức thanh xuân ngọt ngào và tươi đẹp của thế hệ 6X, 7X, 8X và cả 9X đời đầu. Dù có biến đổi về cách nghe, cách thưởng thức hay các phương tiện kĩ thuật thì cảm xúc mà âm nhạc mang lại không thể đong đếm được. Và đó là những gì mà những người làm chương trình Quán thanh xuân hướng đến.
Nguồn: VTV